Câu chuyện sản phẩm
Rượu men lá Lấu Bââng May “Đượm Tình Người Tày”
Cô gái Tày dịu hiền xinh xắn
Lấu Bââng Mạy mời anh ngất ngây say
“Lấu Bââng Mạy” trong tiếng Tày nghĩa là rượu làm từ cây cỏ. Bao đời nay, người Tày chỉ truyền dạy công thức men rượu độc đáo này cho một nữ nhân duy nhất trong dòng tộc.
Tương truyền, một người phụ nữ Tày đi rừng tìm được thứ lá lạ. Về nhà tình cờ đặt cạnh một số thảo mộc, hạt cây, củ, quả khác thì trở thành thứ men thơm nồng, vị ngọt hấp dẫn. Người phụ nữ bèn đem thứ men đó ủ cùng nước suối ban mai, chưng cất rồi hạ thổ đủ 1 năm thì trở thành loại rượu ngon hảo hạng. Cô dâng rượu mời bố chồng, lạ thay ông lão bấy lâu tiều tụy, sau khi uống bỗng trở nên khỏe khoắn, gân cốt dẻo dai, tinh thần sảng khoái lạ thường. Cô đã truyền dạy lại cách làm rượu cho dân làng. Kể từ đó, ly rượu men lá nồng ấm trở thành nét đặc trưng, luôn hiện hữu, thường trực trong đời sống văn hóa, cộng đồng dân tộc Tày.
Rượu men lá hạ thổ Lấu Bââng Mạy được nấu từ gạo nếp vải Phú Lương. Men rượu ủ từ hơn 20 loại lá rừng, thảo mộc, cao lương đặc sản miền sơn cước. Thảo mộc sau khi lấy về được sơ chế, định lượng theo “bí kíp” riêng rồi vắt thành từng bánh men hoàn chỉnh. Ủ chín khoảng 3 ngày 3 đêm, những bánh men được phơi qua một nắng non, rồi gác lên bếp củi tráng nhẹ một lớp bồ hóng, thẩm thấu vị mặn chát của khói bếp thì khi nấu mới cho vị rượu đậm đà, khó quên. Sau cùng, rượu chưng cất được rót vào những chum sành rồi chôn sâu dưới bồ trấu nếp vải ít nhất 1 năm. Vỏ trấu nếp vải ấm áp, vàng ươm, chan chứa hương đồng nội là môi trường lý tưởng giúp rượu hấp thu nhiệt lượng, tiêu tan độc tố, tổng hòa sinh khí của đất trời.
Điều khó lý giải là, men rượu Lấu Bââng Mạy của người Tày phải được ủ trong phòng kín, nếu có sự xuất hiện của người “vía lạ”, đặc biệt là người nhà có tang hay phụ nữ đến tháng, mẻ men đó sẽ không thành. Mọi công đoạn đều đòi hỏi tính cẩn trọng, kỹ lưỡng và không cho phép bất kỳ sự cẩu thả
nào.
Rượu Lấu Bââng Mạy của Cơ sở sản xuất Tuấn Thúy hiện đã được kiểm nghiệm an toàn sinh học, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nên khi uống không gây đau đầu, nhấp thấy vị chua chát hài hòa, đọng lại sau cùng là vị ngọt hậu dịu êm, thơm đượm hương lá rừng. Chị Lưu Thị Thúy - Chủ cơ sở sản xuất Tuấn Thúy theo bà lên rừng hái lá từ năm 12 tuổi, đến nay đã có hơn 30 năm bén duyên với nghề nấu rượu. Chị là người duy nhất trong gia đình “mát vía” nấu thành công rượu men lá hạ thổ từ công thức men gia truyền bà nội để lại. Rượu uống mềm môi mà say như ru ngủ. Khi say chỉ cần ngủ một giấc tỉnh dậy là khỏe khoắn, nhẹ nhàng.
Rượu men lá hạ thổ là biểu trưng cho tính cộng đồng người Tày trên mảnh đất Phú Lương giàu bản sắc dân tộc. Khi uống, cả tập thể cùng dùng chung một ghè rượu, chúc nhau nhiều sức khỏe, may mắn, thịnh vượng. Mỗi một làn cụng ly là tình cảm thêm gắn kết, yêu thương thêm mặn nồng. Rượu trở thành nét đẹp văn hóa, là linh hồn trong những mâm cơm đãi khách quý của người Tày. Để mỗi khi về thăm quê hương Phú Lương, ai ai cũng được thưởng thức ly rượu men lá hạ thổ Lấu Bââng Mạy đặc sản, chếnh choáng men say vị núi rừng trong câu hát:
Rượu nhà tôi rượu quý, rượu yêu
Mời ngài uống vì tình vì nghĩa
Nếu có say thì cũng vì nhau...