Nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các cuộc Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trong năm 2016, sản phẩm Triển lãm số về Trường Sa, Hoàng Sa do CDIT phát triển sẽ tiếp tục được Bộ TT&TT sử dụng để tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Được bắt đầu đưa vào các Triển lãm về biển đảo của Bộ TT&TT từ cuối năm 2016, đến nay giải pháp Triển lãm số về Trường Sa, Hoàng Sa của CDIT đã được triển khai thành công tại 4 tỉnh: Hà Nam, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bắc Kạn. Sản phẩm đã thể hiện một hình thức trưng bày mới, hấp dẫn, hiệu quả và được Lãnh đạo Bộ TT&TT quan tâm, cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện, được nhân dân, khách tham quan triển lãm nồng nhiệt đón nhận đặc biệt là các bạn trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên.
Về công nghệ, những công nghệ trình diễn mới nhất hiện nay như AR, nhận dạng cử chỉ bàn tay, … đã được áp dụng trong một số nội dung của triển lãm. Ngoài hệ thống thuyết minh, ghi chú kèm theo mỗi tư liệu, triển lãm số còn cung cấp cho khán giả những thông tin, hình ảnh hiện vật, câu chuyện dưới định dạng 3D.
Khách thăm quan ngạc nhiên khi trải nghiệm tương tác với các mô hình hiện vật được số hoá 3D
Tương tác thực tế ảo với mô hình 3D tàu Hải đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn
Triển lãm số đã thể hiện được tính ưu việt của mình như: mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều dạng thiết bị đầu cuối. Với việc đưa nội dung sa bàn số 3D về hệ thống 9 đảo 12 bãi đá trong quần đảo Trường Sa lên thiết bị máy tính bảng, phương thức tiếp cận thông tin của công chúng trong triển lãm đã được nâng cấp từ thụ động một chiều sang chủ động tương tác. Đặc biệt với các hiện vật có kích thước lớn và phức tạp, giải pháp đã giải quyết được bài toán triển khai hiện vật tại thực địa mà không tốn chi phí vận chuyển, bảo quản.
Tư liệu và hiện vật lịch sử có thể được trưng bày ngay trước và trong lễ khai mạc Triển lãm để các đại biểu theo dõi
Khu vực sa bàn số 3D luôn thu hút đông đảo khách thăm quan tại Hà Nam, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bắc Kạn
Công nghệ mới thu hút sự quan tâm của giới trẻ
Về hiệu quả truyền thông, trong một thời gian ngắn khoảng 10 giờ đồng hồ tại Vĩnh Long, hệ thống sa bàn số 3D đã thu hút được gần 3000 lượt truy cập đến các tư liệu số. Đến nay số lượng truy cập vào phần mềm qua 4 cuộc triển lãm đã đạt tới gần 20.000 lượt truy cập. Chức năng tự động thống kê số lượng truy cập đến từng đảo (từng tư liệu số) được tích hợp trong sản phẩm đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của công chúng tới lịch sử, địa lý dân tộc khi hình thức trải nghiệm là phong phú và hấp dẫn.
Sản phẩm Triển lãm số của CDIT đã góp phần đưa công nghệ mới vào ứng dụng phục vụ nhiệm vụ chính trị tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của tổ quốc và đóng góp cho công tác định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ thanh, thiếu niên. Trong thời gian tới, được sự quan tâm ủng hộ của Bộ TT&TT và Học viện CNBCVT, sản phẩm sẽ tiếp tục được triển khai tại các triển lãm tiếp theo và phát triển, hoàn thiện để có thể cài đặt trên website của Chính phủ hoặc các Bộ, ngành, như một cổng thông tin quốc gia về biển, đảo Việt Nam để cộng đồng Internet có thể truy cập hoặc đưa vào trong các chương trình đào tạo cho các bậc học.