Tóm tắt: Mạng hội tụ cố định-di động (FMC-Fix Mobile Convergence) được coi là bước phát triển tiếp theo của thế hệ mạng viễn thông NGN. Mạng FMC lấy mạng IP làm mạng chuyển tải và chấp nhận các phương thức truy nhập cố định và di động, vấn đề chất lượng dịch vụ (QoS – Quality of Service) từ đầu cuối đến đầu cuối trong mạng FMC được đặt ra như một thách thức vì mạng IP cũng như các mạng di dộng tồn tại nhiều điểm về QoS chưa được giải quyết. Bài báo này giới thiệu sơ bộ về vấn đề QoS trong mạng FMC, thực trạng và một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trước khi viễn cảnh về mạng FMC trở thành hiện thực.
1. QoS trong mạng FMC
1.1 Mạng FMC
Mạng hội tụ cố định – di động FMC là mạng trong đó có sự hội tụ của mạng di động và mạng cố định tạo nên một mạng duy nhất cung cấp mọi dịch vụ tốt nhất cho khách hàng thoả mãn tính mọi lúc, mọi nơi trên một thiết bị đầu cuối duy nhất. Hình 1 thể hiện viễn cảnh của mạng hội tụ FMC.
Hình 1. Viễn cảnh của mạng hội tụ FMC
Mạng FMC có sự hội tụ trong các khía cạnh: mạng, phương thức truy nhập, dịch vụ và đầu cuối:
-
Sự hội tụ về mạng, giao thức IP được sử dụng làm giao thức chuyển tải chính mang mọi dịch vụ (voice, data, video..) và có thể chạy trên nền các phương thức truyền dẫn và truy nhập khác nhau (PPP, ethernet, MPLS..) (Hình 2)
Hình 2: IP-Giao thức chuyển tải chung trong mạng FMC
-
Sự hội tụ về phương thức truy nhập: khách hàng có thể truy nhập vào dịch vụ với bất kỳ phương thức truy nhập nào sẵn có (Wifi, Cellular, ADSL, Bluetooth..)
-
Sự hội tụ về các đầu cuối trong thế hệ mạng FMC sẽ có yêu cầu sử dụng các phương thức khác nhau để truy nhập vào mạng, có hỗ trợ các loại hình dịch vụ khác nhau và có thể thích nghi nhanh đối với các dịch vụ mới
-
Sự hội tụ về dịch vụ: các dịch vụ sẽ có quy mô toàn cục chứ không bị giới hạn cục bộ bởi các công nghệ riêng trước đây. Ngoài ra, sẽ xuất hiện nhiều dịch vụ mới bên cạnh các dịch vụ kế thừa từ những dịch vụ đã có
1.2 Dịch vụ trên mạng FMC
ITU đã ban hành bản Release 1 về mạng FMC, kiến trúc mạng này linh hoạt trong việc tiếp thu/kết nạp các hình thức dịch vụ mới trong các sub-domain mới. Trong thời điểm hiện tại, các loại hình dịch vụ đã được định danh gồm:
-
Nhóm dịch vụ về conversational (audio/video)
-
Nhóm các dịch vụ Streaming (nghe nhạc, xem phim trực tuyến)
-
Nhóm các dịch vụ Interactive (vd Game tương tác)
-
Nhóm các dịch vụ Background (Chat, mail, web, SMS, MMS..)
Các ứng dụng trên FMC sẽ bùng nổ theo hướng multimedia với một số đặc điểm:
-
Lượng dữ liệu trao đổi rất lớn (voice, video, data đồng thời)
-
Các tương tác phức tạp (sự kết thừa và kết hợp của các dịch vụ trước đây)
-
Kiểm soát được QoS, yêu cầu thay đổi về tốc độ bit có thể xảy ra trong quá trình trao đổi
1.3 Tham số chất lượng dịch vụ
Chất lượng dịch vụ trong mạng FMC nói chung được định nghĩa là tập hợp các yêu cầu về dịch vụ cần được thỏa mãn bởi nhà cung cấp dịch vụ. Trong nghĩa rộng này nó quan tâm cả đến vấn đề maketing, kỹ thuật cũng như vấn đề sau bán hàng. Ở trong phạm vi báo cáo này, chất lượng dịch vụ được xem xét thuần tuý về mặt kỹ thuật và các yêu cầu chất lượng dịch vụ được xác định cho cơ sở hạ tầng chuyển tải (IP). Như vậy, chất lượng dịch vụ ở đây được định nghĩa là tập hợp các yêu cầu cần được thỏa mãn bởi cơ sở hạ tầng mạng trong khi truyền một luồng thông tin trên mạng đó. Các tham số QoS điển hình trên mạng chuyển tải IP bao gồm:
-
Băng thông hiện thời (throughput): Lượng dữ liệu có thể chuyển qua lại giữ 2 nút trong một khoảng thời gian, tham số này phản ánh băng thông của tuyến truyền ở thời điểm hiện tại
-
Trễ (Latency hoặc Delay): Khoảng thời gian giữa thời điểm gói tin được gửi đi tại phía gửi và nhận lại tại phía nhận. Trễ có thể gây ra do truyền dẫn hoặc do xử lý tại các nút trên tuyến
-
Rung pha (Hay biến động trễ-Jitter): Khoảng thời gian chênh lệch giữa gói tin nhận được sớm nhất và muộn nhất
-
Tỷ lệ mất gói (loss): Phần trăm (%) số gói bị mất trên đường truyền do gói bị hỏng hoặc do các nguyên nhân khác.
Mạng Viễn thông cung cấp nhiều dịch vụ có tính thời gian thực cho người sử dụng (Voice, Video..), trong thế hệ mạng FMC các dịch vụ này lại được chuyển tải trên mạng IP (vốn được thiết kế chuyển tải dữ liệu “cố gắng tối đa”) cộng với những nguy cơ tiềm ẩn tồn tại trong mảng di động[] làm cho việc đảm bảo chất lượng các dịch vụ (QoS) này gặpnhiều khó khăn
1.4 Chất lượng dịch vụ từ đầu cuối đến đầu cuối(E2E QoS)
Chất lượng dịch vụ từ đầu cuối đến đầu cuối quan tâm đến chất lượng dịch vụ trong toàn trình mà không xét riêng từng chặng giữa các thiết bị đầu cuối. Hình 3 mô tả các phân đoạn trong giải pháp E2E QoS cho mạng FMC
Hình 3: E2E QoS cho mạng FMC
Ở đây E2E QoS có thể được phân chia thành 3 phân đoạn:
-
Phân đoạn truy nhập: Phân vùng người truy cập ứng dụng, hiểu theo nghĩa rộng thì đây là phần mạng khách hàng và phần mạng truy nhập trong thế hệ mạng hội tụ
-
Phân đoạn mạng lõi: Phân vùng mạng lõi (core) của mạng hội tụ, đây có thể là một mạng riêng của một nhà quản trị, cũng có thể là một số mạng có hoạt động trao đổi thông tin với nhau (inter-connect)
-
Phân đoạn dịch vụ: Phân vùng của các thực thể cung cấp dịch vụ (nội dung), có thể là các kho thông tin media (voice streaming, VoD, Voice mail server, broadcasting..)
1.5 Mô hình chức năng QoS của các thực thể trong mạng
Tại mỗi nút mạng, các thực thể có vài (hoặc tất cả) các phân chức năng như mô tả trong Hình 4:
Hình 4: Mô hình chức năng của QoS
Mô hình chức năng QoS gồm 3 mặt phẳng: Mặt phẳng điều khiển (Control plane), Mặt phẳng dữ liệu (Data plane), mặt phẳng quản lý (Management plane)
-
Mặt phẳng điều khiển: Mặt phẳng này chứa đựng các cơ chế liên quan đến thiết lập, cấp phát tài nguyên, giám sát các tuyến đường truyền cho dữ liệu khách hàng. Mặt phẳng điều khiển gồm 3 khối chức năng cơ bản: Điều khiển quản trị (Admission control), Định tuyến QoS (QoS routing) và Dành trước tài nguyên(Resource reservation):
Hình 5: Lưu đồ xử lý về QoS trong mặt phẳng điều khiển
-
-
Nếu yêu cầu được chấp nhận, quá trình định tuyến (Routing) được tiến hành, nút mạng sẽ phải tính toán đường đi phù hợp với yêu cầu của dịch vụ. Khác với các dịch vụ “cố gắng tối đa” (best effort), các dịch vụ thời gian thực rất nhạy cảm với trễ, rung pha… do vậy không thể sử dụng định tuyến best-effort như trên mạng IP hiện nay mà cần đến định tuyến QoS – định tuyến trên cơ sở các ràng buộc QoS
-
Sau quá trình định tuyến QoS là việc dành trước tài nguyên cho luồng dữ liệu khách hàng, kích hoạt các cơ chế của mặt phẳng dữ liệu
-
Mặt phẳng dữ liệu: Mặt phẳng dữ liệu chứa đựng các cơ chế liên quan trực tiếp đến luồng dữ liệu khách hàng, những cơ chế ở đây bao gồm: Quản lý bộ đệm (buffer management), tránh tắc nghẽn (congesion avoidance), packet marking, xếp hàng (queuing), đánh lịch (scheduling), phân lớp dữ liệu (traffic classifiction), chính sách lưu lượng (traffic policing) và trafic shaping:
-
Quản lý bộ đệm (hoặc hàng đợi): chức năng này xử lý việc đợi phát, lưu gói hoặc huỷ gói tin. Mục tiêu chính của việc quản lý hàng đợi là giảm thiểu các không gian cần cho hàng đợi cũng như phòng ngừa trường hợp một hàng đợi của luồng đơn nào đó chiếm hết không gian của các hàng đợi khác. Các cơ chế quản lý hàng đợi khác nhau chính ở chỗ khi nào thì loại bỏ gói tin, gói tin nào sẽ bị loại bỏ (ví dụ đầu hay cuối hàng đợi)
-
Tránh tắc nghẽn: Chức năng này giám sát và điều khiển tải của mạng ở dưới mức ngưỡng về năng lực xử lý. Việc này được thực hiện bằng việc yêu cầu phía gửi giảm lưu lượng đến khi nghẽn xảy ra hay chuẩn bị xảy ra, cơ chế cửa số thường được sử dụng ở đây (ví dụ trong giao thức TCP)
-
Đánh dấu gói: Chức năng này thực hiện việc ánh xạ các gói tin vào các lớp dịch vụ căn cứ vào yêu cầu QoS của dịch vụ, đánh dấu gói gán các mã nhận dạng gói tin vào mào đầu của gói, việc này thường được thực hiện ở các node biên, ví dụ: gán code point khi gói tin đi vào một vùng mạng diffserv. Nếu việc này được thực hiện bởi host thì thông số này có thể được kiểm tra và thay đổi bởi các node biên căn cứ trên sự thoả thuận dịch vụ SLA hoặc các chính sách cục bộ
-
Xếp hàng và lập lịch: Chức năng này xử lý việc lựa chọn các gói phát đi, nguyên tắc cơ bản của xếp hàng là FIFO (gói vào trước thì ra trước), với cách này các gói được đối xử như nhau. Tuy nhiên để việc đối xử với các loại gói khác nhau một cách linh hoạt hơn, công bằng hơn một số kiểu hàng đợi khác nhau được sử dụng thay vì một hàng đợi duy nhất: (1) Hàng đợi công bằng (fair queuing) các gói được phân lớp vào các luồng và gán vào các hàng đợi tương ứng, hàng đợi sau đó được đánh lịch chuyển đi theo kiểu round-robin, (2) Hàng đợi ưu tiên (Priority queuing) các gói được phân lớp sau đó được đặt vào các hàng đợi có độ ưu tiên khác nhau, gói được đánh lịch phát từ đầu một queu nào đó chỉ khi những hàng đợi có ưu tiên cao hơn đã được phát hết (3) Weighted fair queuing: các gói được phân lớp thành các luồng và gán vào các hàng đợi ứng với các luồng, mỗi hàng đợi được gán một số phần trăm của băng thông hướng ra theo băng thông cần của luồng tương ứng, với sự phân biệt theo độ dài các gói tin, cách tiếp cận này tránh được trường hợp các luồng với các gói tin lớn chiếm nhiều băng thông hơn các luồng có kích thước gói tin nhỏ hơn (4) Class-based queuing: Các gói được phân lớp thành các lớp dịch vụ và sau đó gán vào hàng đợi tương ứng với lớp dịch vụ, mỗi hàng đợi được gán một số phần trăm của băng thông của hướng ra và được đánh lịch theo kiểu roud-robin
-
Phân lớp lưu lượng: Tại miền biên của mạng, chức năng này phân lớp lưu lượng căn cứ vào một số thông tin trên trường mào đầu của gói bao gồm địa chỉ nguồn, đích, port nguồn, port đích, loại giao thức, code point trong diffserv .. để xác định gói thuộc lớp nào để có các xử lý thích hợp
-
Làm sắc lưu lượng (Traffic sharping): điều khiển tốc độ và lưu lượng gói tin vào và ra khỏi một nút mạng để tránh hiện tượng bùng nổ (bursty) và dễ kiểm soát hơn. Ở đây nguời ta thường sử dụng hai kỹ thuật là thùng rò (leaky bucket) và thùng thẻ (token bucket)
-
Mặt phẳng quản lý: Mặt phẳng quản lý chứa đựng khối chức năng liên quan đến các khía cạnh quản lý luồng dữ liệu bao gồm: Định lượng (Metering), Thoả thuận dịch vụ (SLA) và Khôi phục luồng dữ liệu (Traffic restoration):
-
Định lượng: Giám sát các thông số hiện thời của luồng dữ liệu khách hàng và so sánh với mức được thoả thuận về dịch vụ, tuỳ theo mức độ tuân thủ chức năng này có những hành động thích hợp (droping hay sharpinp)
-
Thỏa thuận dịch vụ: là sự thoả thuận về dịch vụ giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ về các yêu cầu của dịch vụ mà khách hàng muốn sử dụng (chất lượng dịch vụ: băng thông, tính sẵn sàng, giá thành…). Các tham số tổng quát được trong SLA được định nghĩa trong khuyến nghị Y.1540 của ITU hoặc các tài liệu kỹ thuật của Intserv và Diffserv
-
Khôi phục luồng dữ liệu: Thực hiện chức năng khôi phục các luồng dữ liệu khi mạng có sự cố, sự cố ở đây có thể sự cố của các phần tử mạng hay các tuyến kết nối trong mạng
Hình 6: Traffic model
1.6 Các yếu tố chính ảnh hưởng đến QoS trong mạng FMC:
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến chỉ tiêu chất lượng trong mạng FMC bao gồm:
-
Yếu tố động của mạng (Network dynamic): Sự biến động trong cấu trúc mạng do thêm/bớt các node mạng hay biến động tài nguyên trên mỗi node
-
Ảnh hưởng của đa truy nhập (Multi-Access): Các phương thức truy nhập khác nhau làm cho việc ánh xạ các mức dịch vụ không tương thích (Ví dụ các lớp QoS trong UMTS và trong Diffserv)
-
Ảnh hưởng của đa chính sách (Multi–policy): Các phiên giao dịch sử dụng cơ sở hạ tầng của nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Mỗi nhà cung cấp dịch vụ có chính sách riêng và khó bắt tay với nhau trong việc đảm bảo E2E QoS
-
Tính di động (Mobility): Môi trường truyền sóng thay đổi, sự di động của trạm cuối, quá trình chuyển giao khi trạm chuyển từ điểm truy nhập này sang điểm truy nhập khác.
-
..
2. Tình hình nghiên cứu, chuẩn hoá về QoS trong mạng FMC
2.1 Giới thiệu chung
-
E2E QoS trong mạng FMC được một số tổ chức chuẩn hoá lớn đưa ra và chuẩn hoá:
-
3GPP: TS 23.107 3rd Generation Partnership Project. Technical Specification 23.107:Quality of Service (QoS) concept and architecture. V6.3.0. June 2005.
-
IETF: RFC 4080 R. Hancock, et al.: Next Steps in Signaling (NSIS): Framework. RFC 4080. June 2005.
-
ETSI – TISPAN: DTS 5008 ETSI TISPAN Technical Specification 5008: QoS Framework and Requirements. V0.1.2. September 2005
-
ITU: Recommendation Y.1291: An architectural framework for support of Quality of Service in packet networks
-
..
Trong các tổ chức này thì 3GPP và IETF là các tổ chức thiên về các công nghệ có tính phạm vi xác định (VD 3GPP về di động 3G, IETF về mạng IP thuần túy) còn nhóm TISPAN và ITU thì hướng vào mạng FMC thực sự. Trong FMC, các nghiên cứu, đề xuất của 3GPP hay IETF vẫn được sử dụng trong các phân vùng tương ứng
2.2 Framework QoS cho mạng FMC
TISPAN đề xuất kiến trúc khung E2E QoS cho mạng FMC như Hình 7 :
Hình 7: Kiến trúc QoS do TISPAN đề xuất
Phân hệ chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện chức năng đảm bảo chất lượng dịch vụ là phân hệ Điều khiển chấp nhân kết nối và tài nguyên (RACS). RACS bao gồm 2 chức năng chính là: Chức năng quyết định chính sách dịch vụ (SPDF) và chức năng điều khiển chấp nhận kết nối và tài nguyên (RACF)
SPDF dưới yêu cầu của ứng dụng tạo ra các quyết định về chính sách (policy) bằng việc sử dụng các luật chính sách và chuyển những quyết định này tới RACF, đây là trung gian giữa một hay nhiều nhà cung cấp dịch vụ với một hay nhiều nhà cung cấp tài nguyên mạng. SDPF cung cấp cách nhìn trừu tượng về các chức năng truyền tải với nội dung hay các dịch vụ ứng dụng. SDPF làm cho xử lý tài nguyên độc lập với xử lý dịch vụ.
RACF nhận các yêu cầu về tài nguyên QoS từ SPDF, trong đó chỉ ra các đặc trưng QoS (ví dụ: băng thông). RACF sẽ sử dụng thông tin QoS nhận được từ SPDF để thực hiện điều khiển chấp nhận hay không chấp nhận kết nối. Có 2 kiểu RACF: RACF truy nhập (A-RACF), RACF lõi (C-RACF). RACF cũng thực hiện chức năng dành trước tài nguyên, áp dụng các chính sách vào các thực thể tài nguyên, điều khiển các thực thể NAT/Firewall
2.3 QoS cho phần mạng truy nhập
Trong phân vùng mạng truy nhập thì các nghiên cứu của 3GPP tương đối bao trùm, 3GPP all-IP xử lý với các mạng không dây tổng quát gồm nhiều phương thức truy nhập khác nhau (TISPAN có mở rộng sang các truy nhập cố định-wireline nhưng thực tế có thể coi là một trường hợp của sự di động với vận tốc bằng 0), do vậy, ở đây có thể coi framework về QoS được khuyến nghị bởi 3GPP đại diện cho phần mạng này. Hình 4 mô tả mô hình QoS cho phần mạng truy nhập E2E được 3GPP đề cập trong tài liệu TS 23.107
Hình 8: Kiến trúc QoS trong phân vùng mạng truy nhập (3GPP)
Note:
MPDF: master Policy Decision Function
|
IMS: IP media subsystem
|
GERAN: GSM EDGE Radio Access Network
|
WQB: Wireless QoS broker
|
RNC: Radio Network Controller
|
WLAN: Wireless LAN
|
BB: Bandwidth Broker
|
RAN: Radio Access network
|
APC: Access point Controller
|
SGSN: Serving GPRS Support Node
|
GGSN: Gateway GPRS Support Node
|
SLS: Service Level Specification
|
Ở đây, phần quản lý QoS dựa trên chính sách có chức năng quyết định dịch vụ (PDP), bao gồm MPDF, WQB và BB. Phần chấp nhận các chính sách (PEP) nằm trong các thực thể RNC, BSC, APC, GGSN. Mạng IP gom các lưu lượng truy nhập based trên cơ chế QoS dịch vụ phân biệt (diffserv)
2.4 QoS cho mạng lõi
Mạng lõi chuyển tải IP cho mạng FMC có thể là mạng lớn và cấu trúc tương tự như mạng Internet. Mạng Internet hiện nay là tập hợp của các AS (Autonomous system), mỗi AS có thể coi là một miền mạng dưới sự quản trị của một nhà quản trị riêng (còn gọi là domain). Do các tính chất của các giao dịch trong một AS và giữa các AS khác nhau nên trên Internet hình thành một cách tự nhiên cấu trúc phân cấp gồm hai cấp, nội miền (intra-domain) và liên miền (inter-domain)
Hình 9: Intradomain và Interdomain
Các giải pháp, đề xuất liên quan đến vấn đề QoS của mạng IP thường phải giải quyết cả 2 vấn đề QoS nội miền và liên miền. IP và mạng Internet là trọng tâm trong các nghiên cứu của tổ chức IETF, E2E QoS trong mạng IP nội miền và liên miền được IETF đưa ra trong 2 kiến trúc dịch vụ tích hợp (Integrated Services hay IntServ ) và dịch vụ phân biệt (Differentiated Services hay DiffServ )tương ứng
Kiến trúc IntServ mô phỏng lại như mạng chuyển mạch kênh trước đây, nó sử dụng nguyên tắc đặt chỗ trước dùng giao thức RSVP. Nó hướng việc giám sát QoS theo luồng (flow) nghĩa là các kênh truyền được thiết lập và giám sát trong quá trình hoạt động. Intserv yêu cầu các ứng dụng đưa ra các tham số cho phiên liên lạc thông qua yêu cầu phục vụ. IntServ được đề cập trong RFC 1633, RFC 2212, và RFC 2215. Trong kiến trúc Intserv, giữa các đầu cuối liên lạc phải tồn tại giao thức trao đổi định tài nguyên nên phải xử lý qúa nhiều làm cho nó khó có khả năng mở rộng để thích hợp với mạng lõi (nhất là mạng core là internet)
Hình 10: Mô hình Inserv
Kiến trúc DiffServ này tiếp cận theo hướng xử lý QoS tại các hop (PHB) mà không phải dựa trên luồng như intserv. Trong mô hình Diffserv, các gói đến từ các nguồn khác nhau thuộc cùng lớp (class) sẽ được ghép đi chung trên một luồng, luồng này sẽ được đánh dấu mức ưu tiên dùng trường ToS trong IPV4 hay trường traffic-class trong IPV6. Diffserv được đề cập trong RFC 2474 và RFC 2475. Diffserv ra đời cũng một phần nhằm khắc phục nhược điểm trong tính mở của Intserv, nó có khả năng thích nghi với các mạng lõi lớn cũng như liên mạng
Hình 11: Mô hình diffserv
Intserv, Diffserv cũng có thể kết hợp với công nghệ MPLS (công nghệ chuyển mạch nhãn đa giao thức) ở lớp 2,5 bên dưới lớp IP trong chồng giao thức Internet để hướng tới giải quyết các vấn đề về QoS. Hình 11 minh hoạ việc ứng dụng intserv/diffserv, MPLS trong một khiến trúc đảm bảo E2E QoS trong mạng IP:
Hình 12: Ứng dụng Intserv, diffserv, MPLS trong kiến trúc đảm bảo E2E QoS
3. Một số vấn đề tồn tại
E2E QoS trong mạng FMC dù đã được quan tâm rất nhiều nhưng vẫn tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết hay giải quyết chưa triệt để. Các tồn tại ở đây cũng có thể được nhìn nhận theo sự phân đoạn (Hình 3) hay mô hình chức năng (Hình 4). Một số điểm cơ bản ở đây có thể thấy là:
-
Hầu hết các đề xuất QoS cho mạng FMC thường đưa ra khung xử lý từ đầu cuối đến đầu cuối, tuy nhiên khung này chủ yếu quan tâm đến vấn đề quản lý chính sách hơn là giải quyết trực tiếp các vấn đề kỹ thuật như định tuyến, xếp hàng, đánh lịch.. Khi dịch vụ chuyển tải qua nhiều miền khác nhau thì việc phân chia ra yêu cầu cho từng miền như thế nào là rất khó bởi vì tuỳ từng domain thì các tham số QoS được thoả mãn khác nhau. Mỗi miền có thể đảm bảo QoS nhưng tổng một chuỗi các miền có thể không đảm bảo E2E QoS
-
FMC hội tụ nhiều công nghệ truy nhập khác nhau(wireline, wireless), từ các công nghệ truy nhập đã được hỗ trợ QoS tương đối hoàn chỉnh (CDMA) đến các công nghệ truy nhập có tính chất nghiệp dư (Bluetooth, wifi..). Di động giữa các cell trong cùng công nghệ truy nhập bản thân nó đã gây ra các vấn đề về QoS trong quá trình chuyển giao (handover), giờ đây mạng FMC còn phải đối mặt với sự di động mà ở đó còn có sự chuyển giao giữa các công nghệ (ví dụ giữa wifi và CDMA)
-
Trong nội miền, Intserv được sử dụng để đảm bảo đáp ứng các dịch vụ yêu cầu hard QoS, tuy nhiên còn một số vấn đề tồn tại như: thuật toán tìm đường đi rất phức tạp nếu yêu cầu tính chính xác cao hay khả năng tìm đường dự phòng, các thông tin dư thừa do các thử tục thiết lập dành trước tài nguyên làm cho sử dụng tài nguyên không hiệu quả..
-
Do nguyên tắc xử lý PHB trong việc đảm bảo QoS liên miền, QoS liên miền chỉ có thể đảm bảo được mức soft QoS, việc đảm bảo hard QoS cho liên miền là rất khó đạt được
-
Định tuyến QoS đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình đảm bảo QoS nhưng các nghiên cứu, đề xuất về vấn đề này vẫn đang còn nhiều điểm chưa giải quyết: Trong nội miền, việc định tuyến gặp phải vấn đề phức tạp trong xử lý, vấn đề các thông tin định tuyến không chính xác, … Định tuyến QoS liên miền ít được giải quyết hơn vì thực sự đây là vấn đề khó do các thiết bị, công nghệ và chính sách của các miền không đồng nhất. Trong phần mạng di động (wifi, cell, adhoc..) các kỹ thuật định tuyến mới được nghiên cứu và cũng gặp nhiều khó khăn, các giải thuật tìm đường trong mạng IP thông thường tỏ ra kém hiệu quả và nguời ta đang cố gắng tìm phương án mới
-
Vấn đề QoS nhiều khi xung đột với với vấn đề an ninh Security). Khi muốn nâng cao tính bảo mật người ta hay đưa vào các phần tử xử lý gói, mã hoá, chèn thêm thông tin làm cho trễ tăng lên và có thể cũng sinh ra hiện tượng nút chai nếu thiết bị an ninh này không đảm bảo về năng lực xử lý
-
Các phần chức năng khác trong QoS như: dành trước tài nguyên, xếp hàng, đánh lịch..cũng đang được tiếp tục nghiên cứu. Các kỹ thuật tiên đoán, kỹ thuật lưu lượng, trí tuệ nhân tạo.. có thể hỗ trợ cho các hướng nghiên cứu về QoS thời gian tới
4. Kết luận
Mạng hội tụ FMC là xu thế tất yếu của mạng Viễn thông thời gian tới, vấn đề E2E QoS trong mạng hội tụ là một vấn đề phức tạp nhưng không thể coi nhẹ khi mạng IP được sử dụng làm cơ sở hạ tầng của mạng này. Bài báo đã điểm qua một số nghiên cứu của các tổ chức chuẩn hoá Quốc tế về vấn đề QoS. Trong thực tế có rất nhiều đề xuất khác liên quan giải quyết các khía cạnh khác nhau của vấn đề QoS mà bài báo chưa đề cập hết và hy vọng sẽ có dịp trình bày sau. Hiện tại, một số giải pháp về mạng FMC đã bắt đầu được thử nghiệm nhưng các thử nghiệm này chủ yếu quan tâm đến vấn đề điều khiển và dịch vụ, để mạng FMC có thể cung cấp các dịch vụ đầy hứa hẹn của nó thì vấn đề QoS cần còn phải đầu tư nghiên cứu nhiều trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
[1] http://www.fixed-mobileconvergence.com/
[2] www.qosforum.com
[3] Simulating Difftsev Classes of Service over an IP/MPLS backbone – www.tech-invite.com
[4] Yevgeni Koucheryavy- Multimedia Tra_c Delivery over Next-Generation Telecommunications Networks- Tampere University of Technology Publications
[5] Inge Einar Svinnset – End-to-end QoS in mobile core networks. Status.-TelenorR&D N 23/2005
[6] Elodie BERNEX-PhD in Applied Acoustic -Quality of service in VoIP environments-www.neotip.com
[7] HAIHONG ZHENG and MARC GREIS-Ongoing Research on QoS Policy Control Schemes in Mobile Networks-Mobile Networks and Applications 9, 235–241, 2004
[8] Mehdi Mani-New QoS Control Mechanism Based on Extension to SIP for Access to UMTS Core Network via Different Kinds of Access Networks -Institute National Telecommunications-9 Rue Charles Fourier, Evry Cedex 91011,France
[9] rfc2386-Frame work for QoS on Internet.txt
Tác giả:
Họ tên: Nguyễn Trung Kiên
Tốt nghiệp kỹ sư Ngành Điện tử Viễn thông ĐHBKHN năm 1997
Tốt nghiệp cao học Điện tử Viễn thông tại Học viện CNBCVT năm 2003
Công tác tại Trung tâm Công nghệ Thông tin – Học viện CNBCVT từ năm 1997 đến nay
Lĩnh vực nghiên cứu: NGN mobile
Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Trung Kiên – CDIT- số 9-Đào Duy Anh – Đống đa – Hà nội
E-mail: kiennt@cdit.com.vn
Mobile: 0913510136
Post Views: 1.418